27 chính phủ thuộc Liên minh châu Âu (EU) vừa đạt được đột phá trong việc triển khai gói cứu trợ Covid-19 trị giá 750 tỷ euro sau các cuộc đàm phán marathon ở Brussels, Bỉ
Lãnh đạo các nước châu Âu mắc kẹt trong cuộc đàm phán kể từ thứ 6 tuần trước nhằm thảo luận về khoản tiền cứu trợ cho EU trước Covid-19. Sự khác nhau về nguồn tiền và cách phân bổ số tiền biến nó trở thành cuộc đàm phán thượng đỉnh kéo dài nhất lịch sử của châu Âu.
Sau 5 ngày thảo luận căng thẳng, lãnh đạo EU đã thống nhất kế hoạch kích thích trị giá 750 tỷ Euro để giúp châu Âu phục hồi khỏi cuộc khủng hoảng Covid-19. Thỏa thuận này tập trung tài trợ cho 3 trụ cột: Tạo ra các cải cách để doanh nghiệp phục hồi sau đại dịch; đưa ra các biện pháp mới để cải cách các nền kinh tế trong dài hạn và đầu tư để giúp tránh "các cuộc khủng hoảng trong tương lai". Cùng với đó, hàng trăm tỷ USD tiền tài trợ và các khoản vay sẽ được cung cấp cho các nước thành viên.
Thỏa thuận đạt được sau nhiều ngày bế tắc và cuộc đàm phán được mô tả là một trong những "chia rẽ cay đắng nhất" trong nhiều năm. Kết thúc cuộc đàm phán, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel nói rằng: "Chúng ta đã làm được. Châu Âu mạnh mẽ. Châu Âu thống nhất. Đây là một thỏa thuận rất tốt, một thỏa thuận rất mạnh mẽ và quan trọng. Nó rất cần thiết cho EU lúc này".
Trong cuộc họp báo đầu giờ sáng ngày 21/7, Chủ tịch Hội đồng Châu Âu Charles Michel tin rằng thỏa thuận này chính là một khoảnh khắc quan trọng của châu Âu.
"EU có một cơ hội lớn để vượt lên khỏi khủng hoảng. Chúng tôi vẫn còn nhiều việc phải làm nhưng tối nay là một bước tiến lớn hướng tới sự phục hồi", Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen, cho biết.
Với trị giá 750 tỷ USD, tương đương 823 tỷ USD, gói kích cầu của EU từng gặp phải sự phản đối mạnh mẽ của Áo, Hà Lan, Thụy Điển và Đan Mạch. Các nước này muốn EU đưa ra cứu trợ dưới dạng khoản vay cho các nước chứ không phải trợ cấp để các quốc gia giảm thiểu những nỗi đau của đại dịch. 4 quốc gia này cũng yêu cầu các nước nhận cam kết cải cách kinh tế mạnh mẽ.
Ngược lại, có những quốc gia châu Âu như Tây Ban Nha hay Italy lại ủng hộ mạnh mẽ gói kích cầu của châu Âu vì cần có tiền để giảm đau kinh tế.
Ngoài ra, EU cũng đã phê duyệt các gói kích thích tài khóa ngắn hạn trị giá 540 tỷ euro để giải quyết cú sốc kinh tế đang diễn ra. Nó chủ yếu xuất phát từ những gì mà các chính phủ tuyên bố dành riêng cho nền kinh tế của họ kể từ thời điểm đại dịch bùng phát ở châu Âu vài tháng trước.